Trồng Răng Nhân Tạo - Dental Implant
Ngày đăng:
02/11/2012
 

 

Những năm gần đây trồng răng nhân tạo, dental implant, đã trở thành một vấn đề “thời sự” khá nóng bỏng trong cộng đồng chúng ta nói riêng và ngay cả trên bình diện quốc tế nói chung. Tuy nhiên không ít người cũng còn rất mơ hồ với những khái niệm cơ bản về kỹ thuật này. Thậm chí nhiều người còn có những thành kiến không đúng về dental implant. Chính vì vậy mà nhiều người bệnh tuy có nhu cầu nhưng vẫn còn thiếu mạnh dạn nhận một cuộc phẩu thuật trồng răng nhanh gọn và kịp thời trước khi quá muộn.

Hầu hết người bệnh lo ngại về sự đau đớn, biến chứng, hay tai nạn có thể xảy ra trong và sau khi trồng răng? Dĩ nhiên không có gì gọi là tuyệt đối, nhưng với sự giúp đỡ của khoa học kỹ thuật, cùng với trình độ kỹ năng cao của nha sĩ và đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp, một cuộc tiểu giải phẩu trồng răng ngày nay chỉ cần gây tê tại chỗ, an toàn, không đau đớn, không có nhiều biến chứng như chúng ta lo nghĩ.

Trong bài viết này chúng tôi muốn trình bày sơ lược vài vấn đề liên quan đến một loại implant rất thông dụng có hình dạng giống như chân răng thực thụ (rootform implant) và kỹ thuật trồng thẳng răng vào hàm.

Mất Răng và Nha Khoa Phục Hồi:

Mất răng là một trong những vấn đề lớn về răng miệng mà nếu không giải quyết rốt ráo chúng ta sẽ gặp phải những trở ngại, rắc rối và mất mát khác.

Chỉ cần dành một vài phút nhìn vào gương, chúng ta sẽ dễ nhận ra hàm răng của mình bị xiêu vẹo, lệch lạc hay xương hàm bị thoái hoá ra sao nếu chẳng may hàm răng chúng ta không còn nguyên vẹn. Mất răng ngoài việc làm cho sự nhai của chúng ta bị trở ngại còn tạo điều kiện cho bệnh sâu răng và nướu răng phát triển. Về mặt tâm lý, người bị mất răng sẽ mất tự tin. Bệnh nhân mất răng do sử dụng không đồng đều số răng còn lại, khớp cắn sẽ thay đổi, răng và khớp hàm sẽ bị tổn thương. Theo nguyên tắc domino (một quân cờ đổ sẽ làm cho những quân cờ khác đổ theo), dưới tác động của nhiều yếu tố bất lợi khác, răng sẽ bị gãy đổ, lung lay và sẽ lần luợt rời bỏ vòm trời thân yêu của chúng.


Hình minh họa. Photos.com

Trong số những biến chứng của mất răng chúng tôi cho rằng sự thoái hóa của xương hàm là nguy hiểm nhất. Theo định luật Wolf, sau 5 năm mất răng xương hàm sẽ bị thoái hóa khoảng 50-60 % cả về chiều cao, bề dầy và độ đậm đặc (density). Và một khi xương hàm bị thoái hóa trầm trọng mọi cố gắng phục hồi xương và răng sẽ trở nên phức tạp và tốn kém hơn rất nhiều.

Tóm lại, hàng loạt những khó khăn về chức năng, thẩm mỹ, tâm lý và bệnh lý mà người bệnh phải đối đầu do bị mất răng mà không có những phương thức phục hồi thích hợp.

Nếu bạn mất răng vì một lý do nào đó, Nha Sĩ sẽ chẩn đoán và thường giới thiệu ba phương thức phục hồi: *Làm răng giả *Làm cầu răng *Và trồng răng Implant.

Làm răng giả tuy ít tốn kém nhưng thiếu hiệu quả và sự thoải mái cần thiết. Cầu răng thông dụng hơn nhưng sự lâu bền phụ thuộc nhiều vào các răng dùng làm trụ cầu. Hơn nữa, do sự thoái hóa của xương, theo thời gian cầu răng và răng giả sẽ tạo ra những rắc rối mới cả về chức năng và thẩm mỹ.

Một cầu răng tốt có tuổi thọ vào khoảng 5-7 năm, trong khi chiếc implant đầu tiên cách đây gần nửa thế kỷ vẫn còn được xử dụng một cách hiệu quả. Theo The Journal of Oral Implantology (Frank LaMar, DDS.- American Academy of Implant Dentistry) có trên 97% răng implant đạt tiêu chuẩn tốt sau 5 năm được trồng thẳng vào hàm. So sánh về chức năng và sự thoải mái của răng hàm dưới cho thấy nếu đánh giá một hàm răng khỏe mạnh là 10 điểm, răng giả chỉ được 1 đến 2 điểm; cầu răng 5-6 điểm; trong khi Implant đạt đến 9 điểm (và không sợ bị sâu răng). Ngoài ra răng implant trong đa số trường hợp còn được đánh giá là BỀN và ĐẸP hơn răng thật. Có thể nói trong 3 phương cách chính yếu của nha khoa phục hồi, trồng thẳng răng vào hàm là phương thức duy nhất mang đầy đủ ý nghĩa TÍCH CỰC của sự TÁI TẠO ( positive dentistry).

Dental Implant Là Gì?

Từ ngàn xưa con nguời đã không ngừng tìm cách tái tạo những chiếc răng đã mất. Thật khó mà tin rằng ngay thế kỷ thứ 7 nguời Mayan đã “cấy” chiếc răng nhân tạo làm bằng vỏ sò vào xương hàm dưới của một người. Dĩ nhiên việc cấy ghép này và nhiều cuộc phẩu thuật khác trong nhiều thế kỷ sau đó không thể thành công khi không được những kiến thức y học và những tiến bộ khoa học kỹ thuật khác hổ trợ.

Mãi đến thế kỷ 20, những công cuộc nghiên cứu tiên phong trong việc trồng răng vào hàm mới có những bước nhảy vọt đáng ghi nhận. Đặc biệt, năm 1952, một giáo sư người Thụy Điển, ông Per. Ingvar Brånemark đã vô tình phát hiện rằng kim loại Titanium kết dính vào xương hàm của con người một cách rất vững chắc và không tháo ngược ra được. Ông gọi sự tích hợp giữa xương hàm và titanium là osseouintegration. Điều phát hiện lý thú này đã đi ngược lại tất cả những lý thuyết khoa học đương thời. Ông đã tiếp tục nghiên cứu để cuối cùng thực hiện thành công cuộc giải phẩu trồng răng implant đầu tiên vào năm 1965. Nhưng mãi đến năm 1982, tại Toronto, Canada, sau nhiều năm kiểm chứng giới khoa học mới công nhận thành quả của ông.

Hiện nay, mặc dù có gần 100 hảng sản xuất, tất cả dental implants đều dựa trên thiết kế căn bản của Bác sĩ Brånemark.

Hình họa trên đây cho thấy sự tuơng đồng giữa một chân răng và dental implant (phần nằm dưới nướu răng và sâu trong xương hàm). Phần nằm trên nướu răng chính là mão răng bằng sứ (porcelain crown) sẽ đuợc lắp đặt sau đó để hoàn tất phẩu thuật trồng răng đơn giản, chính xác và mang tính tiên liệu cao.

Ai là Nguời Thích Hợp cho Việc Trồng Răng Implant:

Bất cứ người nào mất một hay nhiều chiếc răng do tai nạn hay do các bệnh về răng đều thích hợp cho việc trồng thẳng răng vào hàm để thay thế những chiếc răng đã mất. Tuy nhiên, ngoại trừ một vài truờng hợp cần thiết, không nên trồng răng cho thanh thiếu niên dưới 21 tuổi là những người có xương hàm và răng đang phát triển. Nhiều bệnh nhân có tuổi quan ngại yếu tố tuổi tác có thể ngăn chặn họ hưởng thụ những lợi ích của dental implant, nhưng thực ra chính sức khỏe mới là yếu tố quan trọng trong việc Nha Sĩ xác định có nên hay không nên trồng răng. Một Chuyên Gia uy tín trong ngành Nha Khoa đã nhận định rằng: nếu bạn có đủ sức khỏe để được nhổ răng, bạn cũng có đủ sức khỏe để nhận một cuộc tiểu phẩu trồng răng vào hàm.

Nghiện rượu, nghiện thuốc nặng, đang điều trị ung thư vùng đầu mặt cổ, tiểu đường, các bệnh về xương, máu và hệ thống miễn nhiễm có thể ảnh hưởng mức độ thành công của phẩu thuật trồng răng. Nha Sĩ sẽ xác định bạn có thích hợp cho việc trồng răng hay không sau khi chẩn đoán và đánh giá cẩn thận tình trạng răng miệng và sức khỏe tổng quát của bạn.

Những Lợi Ích của Dental Implant:

1.Tái lập đầy đủ chức năng và sự cân bằng của hàm răng
2.Cải thiện sự hiện hữu của hàm răng và giúp cho hàm răng của chúng ta trông giống như thật.
3. Cải thiện sự thoải mái, độc lập và dể dàng làm sạch ( không như răng giả hay cầu răng)
4. Cải thiện sự phát âm
5. Giúp cho sự ăn uống tốt hơn
6. Bảo vệ những chiếc răng thật: phó mặc cho hàm răng xiêu vẹo, chúng ta đã vô tình hay cố ý xử dụng quá sức những chiếc răng còn lại. 20-25% răng thật dùng làm trụ trong cầu răng sẽ phải được chữa tủy răng.
7. Làm tăng sự tự tin, lạc quan và yêu đời.

Phẩu Thuật Trồng Răng:

Nếu quí vị mất răng và muốn trồng răng vào hàm quí vị có thể được trồng răng bởi chính Nha Sĩ của quí vị hay bất cứ một Nha Sĩ chuyên khoa nào mà quí vị tin tưởng.

Giai đoạn 1: Phẩu thuật trồng implant:

Sau khi định bệnh và bàn thảo về kế hoạch điều trị, Nha Sĩ sẽ tiến hành một cuộc tiểu phẩu đơn giản, gây tê tại chỗ để đặt dental implant vào xương hàm.

Nếu xương hàm không đủ, trước khi trồng implant, bệnh nhân sẽ được cấy xương (bone graft, bone augmentation) hay nâng khoang mũi (sinus lift).

Bệnh nhân được theo dõi từ 3 đến 6 tháng để xác định sự tích hợp hoàn chỉnh của implant và xương hàm. Hiện nay chưa có một chứng cớ khoa học nào cho thấy sự đào thải của cơ thể đối với Titanium. Sự thành công ở giai đoạn này (trên 95%) phần lớn phụ thuộc vào điều kiện vô trùng và sự chuẩn bị (trước và trong phẩu thuật), kỹ năng kinh nghiệm và tay nghề của kíp mổ (Nha Sĩ và các phụ tá), và sự tuân thủ chỉ dẫn của chính quí vị.

Giai đoạn 2: Lắp đặt răng giả và hoàn thành điều trị:

Cuối cùng một chiếc răng, cầu răng hay nguyên hàm răng giả sẽ được kết dính vào implants thông qua trụ nối abutment. Trụ nối được lắp chính xác vào implant bằng một ốc vít có đủ khả năng chịu lực. Nha Sĩ sẽ lấy ni (impression) cho phòng lab nha khoa làm một hay nhiều chiếc răng implant theo kế hoạch điều trị.

Bệnh nhân sẽ trở lại trong vòng 1- 2 tuần để có những chiếc răng implant xinh đẹp và để bỏ lại sau lưng những ngày tháng thiếu răng, thiếu sự tự tin và vui sống.

Hiện nay việc trồng răng ngay sau khi nhổ răng (immediate implant) hay gắn mão răng, răng giả tức thì sau khi trồng implant cũng là việc rất khả thi.

Cũng như răng thật, răng implant rất dễ bị bệnh nha chu. Vệ sinh răng miệng thường xuyên và đúng cách, gặp nha sĩ mỗi 6 tháng là những động thái đơn giản nhưng vô cùng quan trọng bảo đảm cho sự thành công lâu dài của răng implant.

Trồng thẳng răng vào hàm không phải là lời giải duy nhất cho mọi bài toán, nhưng trong đa số trường hợp đây là phương thức phục hồi và tái tạo răng tốt nhất, hữu hiệu và lâu bền nhất. Xin quí vị tham khảo Nha Sĩ gia đình và Nha Sĩ chuyên khoa để có những ý kiến chuyên môn chính xác.

Bác sĩ Nha khoa Nguyễn Hoàng Tuấn tốt nghiệp Nha Khoa tại Đại Học UCLA, tu nghiệp đặc biệt về Nha Khoa Thẩm Mỹ và Implants tại LVI, Nobel Biocare và Implants Seminar. Bác Sĩ Tuấn đang điều hành Trung Tâm Nha Khoa TM North Valley Dental Care, San Jose.


User
Pass
Truy cập: 1158
Online: 0
CopyRight © Nha Khoa Toàn Ý
Email: toanysmile@yahoo.com
Nha Khoa Toàn Ý 330 Lê Văn Khương, P.Thới An, Q.12, TP.Hồ Chí Minh
Nha Khoa Toàn Ý Bến Tre 182A5 Đường tránh QL.60,KP.3,P.Phú Tân,TP.Bến Tre
Nha Khoa Toàn Ý Trà Vinh 126B Nguyễn Đáng, Khóm 8, P.6, TP Trà Vinh
Nha Khoa Toàn Ý Bạc Liêu 95/5 Đừơng Trần Phú, Khóm 5, P.7 , TP Bạc Liêu