Bác sĩ Davis Satcher, MD, Ph.D., nguyên Bộ Trưởng Bộ Y Tế Hoa Kỳ (1998-2002), trong một nỗ lực mang lại những lợi ích cần thiết cho sức khỏe đã khuyến cáo “the mouth is a mirror of the body” (miệng chính là chiếc gương soi cơ thể con người). Bác sĩ Satcher còn khẳng định sức khỏe răng miệng và sức khỏe tổng quát là không thể tách rời. Một người không thể được coi là khỏe mạnh nếu như sức khỏe răng miệng của người đó có vấn đề.
Hình minh họa. PHOTOS.COM
Trong tất cả những bệnh răng miệng thường gặp bệnh nướu răng được ghi nhận là bệnh nguy hiểm nhất. Thống kê cho thấy bệnh nướu răng còn là một bệnh nhiễm trùng mãn tính lớn nhất thế giới. Hơn phân nữa những người trên 18 tuổi bị bệnh nướu răng. 85% những người trên 35 tuổi bị bệnh nướu răng từ nhẹ đến nặng. Nam giới bị bệnh nướu răng 4 lần nhiều hơn phụ nữ. Một điều vô cùng nguy hiểm là có đến 90% những người bệnh nướu răng không hề biết rằng mình đang bị bệnh.
Bệnh nướu răng không những là nguyên nhân chính gây ra sự mất răng ở người lớn, mà còn là một tác nhân nguy hiểm cho hầu hết các căn bệnh trong toàn cơ thể con người.
Ngay từ đầu thế kỷ 20, một bác sĩ người Anh đã đưa ra giả thuyết về những bệnh nhiễm trùng trong cơ thể có thể bị tác động bởi những vi trùng có trong khoang miệng. Lý thuyết của ông ngày nay đã được minh chứng. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng 90% thân bệnh có biểu hiện và liên quan đến sức khỏe răng miệng nói chung và bệnh nướu răng nói riêng.
Bệnh nướu răng là gì?
Nướu răng là những lớp mô liên kết và niêm mạc bao phủ xương hàm và bao chung quanh cổ răng. Khi bao chung quanh cổ răng nướu răng giúp hình thành túi răng. Nướu răng khỏe mạnh sẽ có màu sắc hồng thắm, che phủ vừa đủ khe hở giữa hai kẽ răng, và túi răng cũng có độ sâu vừa phải (2-3mm). Nướu răng khỏe mạnh sẽ không chảy máu khi chúng ta đánh răng hay dùng chỉ xỉa răng đúng cách. Khi thiếu hay thay đổi hiện trạng của nướu dựa trên những tiêu chuẩn dễ nhận biết này chúng ta nên coi lại tình trạng nướu của mình.
Bệnh nướu răng, hay còn gọi là bệnh nha chu nói một cách đơn giản, là bệnh nhiễm trùng của các mô chung quanh cổ răng và xương cổ răng. Bệnh nha chu có thể chia thành hai giai đoạn bao gồm viêm nướu (gingivitis) và giai đoạn tiến triển hơn là viêm nha chu (periodontitis).
Nguyên nhân gây bệnh nướu răng chính là bợn răng (plaque),vi trùng và phản ứng gây viêm của cơ thể.
Hằng ngày nước bọt của chúng ta cuốn trôi đi khoảng 100 tỉ tế bào của hơn 300 loại vi trùng có sẵn trong khoang miệng. Mọi chuyện sẽ không có gì đáng nói nếu như môi trường chung quanh răng không có bợn răng. Bợn răng giúp hình thành những quần thể vi trùng. Không phải tất cả vi trùng trong miệng điều gây bệnh nướu răng. Chỉ có vài loại vi trùng âm tính yếm khí là có khả năng tạo nên những phản ứng gây viêm. Phản ứng gây viêm của cơ thể chính là triệu chứng bệnh lý của bệnh viêm nướu (gingivitis). Bệnh viêm nướu nếu không được điều trị sẽ tiến triển thành bệnh nha chu. Đến giai đoạn này các túi răng sẽ sưng tấy, nướu sẽ mất một số dây chằng liên kết, xương hàm sẽ bị tiêu hao, răng (do mất đi nền tảng và chỗ dựa của xương) sẽ lung lơ, rụng hoặc bị nhổ đi để tránh sự đau đớn và nhiễm trùng lan rộng.
Vi trùng trong bệnh nướu răng có thể thâm nhập vào dòng máu của cơ thể thông qua những mạch máu bị tổn thương. Lượng độc tố trong máu, do đó, đã tăng lên một cách đáng kể. Hậu quả là những người bị bệnh nướu răng có từ 3 đến 7 lần nhiều hơn những bệnh khác, đặc biệt là bệnh tim mạch và tiểu đường.
Bệnh nướu răng và bệnh tim mạch
Hầu hết chúng ta điều biết bệnh tim là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở các nước phát triển. Hằng năm có trên 500,000 người Mỹ chết vì bệnh tim mạch. Bao nhiêu người trong số này đã bắt đầu con đường tuyệt mạng do sự lơ là trong việc chăm sóc răng miệng?
Một nghiên cứu 1989 đã chỉ ra sự song hành giữa những người bệnh răng miệng, mất răng (do bệnh nướu răng trong quá khứ) và bệnh tim mạch. Những người mất răng được ghi nhận là có nhiều cục máu đông ở động mạch chủ. Điều này đã chứng minh một cách gián tiếp rằng những người bị bệnh nướu răng có nguy cơ bị nhồi máu cơ tim nhiều hơn so với những người không bị bệnh răng.
Sự liên hệ giữa bệnh lý tim mạch và những con vi trùng răng miệng lần đầu tiên được phát hiện bởi những nghiên cứu của Bác Sĩ Mark Herzberb của đại học Minnesota, năm 1998. Bác sĩ Herzberb đã tìm thấy sự hiện diện của những vi trùng trong khoang miệng tồn tại trong những cục máu đông gây tử vong trên những con thỏ thí nghiệm. Bằng những luận chứng và thực nghiệm khác ông đã mạnh dạn kết luận rằng những gì đã xảy ra trên thỏ cũng có nhiều khả năng xảy ra cho người.
Nghiên cứu của Sức khỏe và Dinh Dưỡng Học Quốc Gia được thực hiện cho 20,000 người Mỹ đã chỉ ra rằng những người bị bệnh nướu răng hay không còn răng (do bênh nướu răng) có khả năng bi bệnh tim mạch 72% cao hơn nhóm những người không bị bệnh nướu răng. Trong một nghiên cứu khác, những người bị tiêu hao xương hàm do mất răng và bệnh nướu răng có 2.8 lần nhiều hơn bị tai biến tim mạch (stroke) so với những người không bị bệnh nướu răng.
Các Bác Sĩ tại những Bệnh Viện Cựu Chiến Binh (VA Hospital) đã báo cáo rằng những người lính già làm sạch răng ít nhất một năm một lần bị tai biến tim mạch, 5 lần ít hơn so với những người không làm hoặc làm không thường xuyên.
Bệnh Nướu Răng và Bệnh Tiểu Đường
Hiện nay bệnh tiểu đường ảnh hưởng và làm thống khổ trên 18 triệu người ở Mỹ và trên 170 triệu người toàn thế giới. Bệnh tiểu đường làm tăng khả năng bị nhiễm trùng, giảm khả năng hồi phục vết thương, khiến những bệnh khác thêm trầm trọng và tăng tử vong.
Bệnh nướu răng là một trong những biến chứng thường gặp của bệnh tiểu đường (sau bệnh đau thần kinh ngoại biên-neuropathy, đau thận, viêm võng mạc, bệnh về mạch máu lớn và mạch máu nhỏ).
Những nghiên cứu về mối liên hệ giữa bệnh nướu răng và bệnh tiểu đường đã chỉ rõ hai bệnh này có cùng một nguyên nhân gây bệnh dính dấp đến phản ứng viêm (imflamatory response). Phản ứng viêm của cơ thể trong bệnh tiểu đường do sự tăng đường huyết (hyperglycemia).
Các nhà nghiên cứu cũng ghi nhận rằng đối vớí những bệnh nhân vừa bệnh nướu răng và tiểu đường kiểm soát được sự nhiễm trùng nướu sẽ giúp kiểm soát đuờng máu.
Quan hệ hỗ tương giữa bệnh tiểu đường và bệnh nướu răng đã cho một ví dụ điển hình về bệnh toàn thân làm tăng sự nhiễm trùng răng miệng, và ngược lại một khi răng miệng bị nhiễm trùng chính nó sẽ làm trầm trọng thêm bệnh lý toàn thân.
***
Hiện nay chưa có một nghiên cứu sâu rộng nào chỉ rõ mối quan hệ mắc xích giữa bệnh nướu răng, tim mạch và tiểu đường. Tuy nhiên đã có rất nhiều nghiên cứu thừa nhận những tác hại nguy hiểm của bệnh nướu răng đối với bệnh tim mạch, tiểu đường và nhiều bệnh khác.
Rất mong những con số và tài liệu vừa trình bày sẽ giúp quí vị có thêm cơ sở để tin rằng: muốn sống lâu, sống khỏe, thành công và hạnh phúc hãy quan tâm và chăm sóc sức khỏe răng miệng của mình. Bởi vì “sức khỏe răng miệng và sức khỏe tổng quát là không thể tách rời.”
Bác Sĩ Nha Khoa Nguyễn Hoàng Tuấn, tốt nghiệp Nha Khoa tại Đại học UCLA, tu nghiệp đặc biệt về Nha Khoa Thẩm Mỹ và Implants tại LVI, Nobel Biocare và Implants Seminar. Bác Sĩ Tuấn hiện đang điều hành trung tâm Nha Khoa TM North Valley Dental Care, San Jose.